Bệnh viện phụ sản Hải Phòng
1/5
Địa chỉ: số 19 Trần Quang Khải - Quận Hồng Bàng - TP Hải Phòng
Năm thành lập: 1978
E: benhvienphusan1978hp@gmail.com
H: 0225.7104.999
W: benhvienphusannhaiphong.vn
.
Giới Thiệu
Giờ Làm Việc
Khoa Khám Bệnh
Bảng Giá Dịch vụ
Địa Chỉ
Hướng Dẫn
FAQ
Đăng Ký
Đánh Giá
Giới thiệu về Bệnh viện phụ sản Hải Phòng
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng là bệnh viện chuyên khoa hạng I, trực thuộc Sở Y tế Hải Phòng. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng hàng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị về các bệnh phụ khoa. Đây là một trong những đơn vị y tế cấp tỉnh được nhiều chị em phụ nữ tại địa bàn tin cậy về cả chất lượng lẫn kinh nghiệm chuyên môn.
Với 40 năm hình thành và phát triển, bênh viện đã đóng góp vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và kế hoạch hóa gia đình của thành phố Hải Phòng và các các tỉnh lân cận. Xứng đáng là Bệnh viện chuyên khoa phụ sản đầu ngành khu vực duyên hải Bắc Bộ.
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng quy mô 450 giường bệnh, 609 cán bộ nhân viên trong đó 2 PGS.TS, 3 Tiến sĩ, 17 thạc sĩ, 27 BS chuyên khoa II. Các y bác sĩ đều là những người có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, phục vụ công tác khám chữa bệnh một cách tốt nhất.
Bệnh viện đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến, triển khai xây dựng khu Điều trị chất lượng cao 9 tầng. Tương lai không xa, khi khu nhà hoàn thiện, bệnh viện có thêm không gian cho người bệnh và triển khai các trung tâm kỹ thuật mới, như: Trung tâm Chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh; Trung tâm Chẩn đoán trước sinh; Trung tâm đào tạo và NCKH; khoa Nam khoa, khoa điều trị sớm bệnh nhân ung thư…
Giờ làm việc tại Bệnh viện phụ sản Hải Phòng
Giờ làm việc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng từ thứ 2 đến thứ 6. Thời gian làn việc như sau:
- Buổi sáng: 7h30 – 12h00
- Buổi chiều: 13h30 – 17h00
Bên cạnh đó, Bệnh viện tổ chức tiến hành khám ngoài giờ hành chính, làm việc vào thứ 7 và Chủ nhật. Do vậy, bệnh nhân có thể yên tâm đến đây khi có nhu cầu hoặc cần phải cấp cứu.
Các khoa khám bệnh tại Bệnh viện phụ sản Hải Phòng
Khoa Kế hoạch hóa gia đình
Khoa Kế hoạch hoá gia đình được xây dựng và phát triển cùng với sự thành lập bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng năm 1978. Trong 30 năm qua, khoa Kế hoạch hoá gia đình là khoa luôn làm nhiệm vụ giải quyết các trường hợp thai ngoài ý muốn và các trường hợp bệnh nhân bị tai biến của các tuyến gửi đến, thực hiện các phương pháp tránh thai đặt vòng, bao cao su, tiêm thuốc tránh thai và uống thuốc tránh thai; tư vấn và hướng dẫn khách hàng dùng các biện pháp tránh thai, hướng dẫn chăm sóc bản thân sau nạo phá thai, tuyên truyền bằng tờ rơi, quảng cáo và bằng Video để khách hàng hiểu được các phương pháp tránh thai và chăm sóc sau phá thai. Ngoài ra khoa còn tham gia các phương pháp tránh thai vĩnh viễn bằng triệt sản nam và nữ.
Tình hình hoạt động
Từ năm 2003 – 2008, Khoa vẫn luôn giữ được truyền thống của khoa Kế hoạch hoá gia đình từ xưa đến nay. Trong những năm gần đây do bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng nhiều, Khoa còn tham gia điều trị doạ sảy thai, điều trị tiền sản và hậu sản thường sau đẻ và mổ đẻ.
Năm 2003, Khoa triển khai dự án phá thai an toàn. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo bệnh viện khoa đã nhận thêm các phòng để phát triển dự án: phòng khám tiếp nhận bệnh nhân; phòng tư vấn cho bệnh nhân trước khi làm thủ thuật phá thai; phòng làm thủ thuật và phòng chăm sóc và hướng dẫn căn dặn sau phá thai. Nhờ đó mà dự án phá thai an toàn đã đạt được những thành công tốt đẹp. Thay đổi được quan điểm xưa cứ có thai là cho phá thai mà bệnh nhân không được tư vấn trước, nhờ đó mà đã tạo được một thói quen có quy trình đầy đủ cho việc phá thai an toàn và bệnh nhân được an tâm hơn.
Từ năm 2003 đến nay, Khoa đã phát huy tốt truyền thống của mình, luôn giải quyết tốt các trường hợp bệnh nhân đến để phá thai và các trường hợp bệnh nhân điều trị trong khoa luôn được điều trị tốt và ra viện an toàn.
Khoa Hỗ trợ sinh sản
Sau gần 10 năm chắt chiu xây dựng và hồi hộp đợi chờ, 8h20’ ngày 7/4/2006, hai cháu bé được sinh theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên đã cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Kết quả này đã đánh dấu sự thành công trong việc áp dụng các kỹ thuật Hỗ trợ sinh sản, một lĩnh vực chuyên sâu của chuyên ngành sản phụ khoa, nhằm góp phần xây dựng ngành Y tế Hải Phòng trở thành Trung tâm y tế chuyên sâu của vùng Duyên hải Bắc bộ, theo tinh thần nghị quyết 32 của Bộ Chính trị.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và mang đầy tính nhân văn này, tháng 9/2002 Sở Y tế Hải Phòng quyết định thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản. Năm 2003, dự án TTTON chính thức được Thành phố phê duyệt với nguồn vốn vay 4 tỷ đồng và thành phố cấp hơn 4 tỷ. Đến cuối năm 2004, bệnh viện mới có kinh phí để triển khai dự án. Trong vòng 6 tháng, bệnh viện vừa đấu thầu mua trang thiết bị, vừa gửi cán bộ đi đào tạo lại tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (cơ quan bệnh viện mời chuyển giao công nghệ), vừa chuẩn bị, lựa chọn bệnh nhân.
Tình hình hoạt động
Ngày 30/7/2005, dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến và các bác sĩ, kỹ thuật viên bệnh viện Phụ sản Trung ương, bốn bệnh nhân đầu tiên đã được hút trứng, chuyển phôi và hai trong bốn bệnh nhân ấy đã có thai.
Từ 7/2006, kỹ thuật TTTON được triển khai độc lập tại Hải Phòng. Bên cạnh việc đưa TTTON trở thành kỹ thuật thường quy trong điều trị vô sinh, khoa HTSS đã nắm bắt và thành công trong kỹ thuật giảm thai, điều trị quá kích buồng trứng nặng, kỹ thuật trữ lạnh tinh trùng, trữ lạnh phôi, nhằm mang lại nhiều hơn nữa cơ hội được làm mẹ cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.
Ngày 10/11/2007, cháu bé đầu tiên sau chuyển phôi đông lạnh đã chào đời hoàn toàn khoẻ mạnh. Ngày 28/9/2007, bệnh nhân bơm tinh trùng vào Bào tương trứng đầu tiên được triển khai tại khoa HTSS – bệnh viện Phụ sản Hải Phòng với sự chỉ đạo công nghệ của bệnh viện Phụ Sản Trung ương. Đây là một cố gắng rất lớn của khoa HTSS. Để có thể tiếp nhận công nghệ phức tạp nhất trong các kỹ thuật HTSS này, các bác sỹ của khoa lại một lần nữa khăn gói sang Thái Lan và bệnh viện Phụ Sản Trung ương học tập.
Tính đến 30/4/2008 , khoa HTSS đã thực hiện được 151 chu kỳ TTTON, có 22 mẹ sinh 28 cháu an toàn khỏe mạnh, trong đó có 1 cháu được sinh sau chuyển phôi đông lạnh.
Bên cạnh việc phát triển khoa học mũi nhọn, khoa còn tham gia tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt. Mỗi năm khoa có 2-3 đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện. Riêng dự án: “Ứng dụng kỹ thuật TTTON trong điều trị vô sinh tại Hải Phòng” được đánh giá là 1 trong 10 đề tài có tính khả thi, tính nhân văn và đạt hiệu quả cao của thành phố năm 2007.
Hiện tại khoa có 1 Bác sỹ đang học Tiến sỹ và 1 bác sỹ theo học CK cấp II, 1 bác sỹ đang học thạc sỹ. Có 2 điều dưỡng đang theo học chương trình đại học và 1 KTV đang theo học chương trình cử nhân xét nghiệm.
Khoa Sản 1
Từ năm 2003 - 2007 dưới sự lãnh đạo của bác sĩ trưởng khoa Nguyễn Thị Huệ, khoa Sản 1 đã ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát hiện sớm bệnh lý thai sản, hạn chế được rất nhiều tai biến sản khoa, cứu sống được nhiều bệnh nhân.
Tình hình hoạt động
Hàng năm số sản phụ vào khoa trên 6000 ca, trong đó tỷ lệ mổ đẻ xấp xỉ 40%, đẻ thường xấp xỉ 32%, đẻ chỉ huy xấp xỉ 13%, còn lại là forcepts, song thai, ngôi ngược… Khoa còn là cơ sở thực tập cho sinh viên trường Đại học Y và học sinh trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng.
Nhân sự khoa
Hiện tại Khoa có 37 cán bộ nhân viên. Trong đó có 07 Bác sỹ, tất cả các bác sĩ đều có trình độ sau đại học và 30 điều dưỡng. Với đội ngũ Bác sỹ tay nghề chuyên môn giỏi, tận tâm tận tụy với sản phụ: những bất thường của mẹ và bé đã được phát hiện sớm, xử trí kịp thời giúp sản phụ yên tâm điều trị.
Khoa Sản 2
Tiền thân là đơn nguyên B (Theo dõi, chăm sóc và điều trị các sản phụ sau đẻ thường, sau đẻ khó, sau mổ lấy thai) của khoa Sản A cũ. Do sự phát triển không ngừng về mọi mặt của bệnh viện: Các khoa mũi nhọn thuộc chuyên ngành về y học hiện đại ra đời, đồng thời với sự lớn mạnh tới mức đột phá về số lượng bệnh nhân… kéo theo sự gia tăng lớn về số lượng giường bệnh của các khoa sản và sự đòi hỏi nâng cao hơn tính chuyên biệt trong điều trị và chăm sóc người bệnh của Bệnh viện chuyên khoa hạng I; Khoa Sản A trước đây gồm đơn nguyên đỡ đẻ và đơn nguyên điều trị hậu sản đã được tách làm 2 khoa riêng biệt: Sản I (Đỡ đẻ và theo dõi sản phụ sau đẻ 6h đầu); Sản II (Theo dõi, chăm sóc và điều trị các thai phụ tiền sản khó và các Sản phụ sau đẻ, sau mổ lấy thai).Vì vậy khoa Sản II ra đời từ ngày 15 tháng 3 năm 2004.
Tình hình hoạt động
- Kể từ khi thành lập, năm nào khoa cũng thực hiện vượt chỉ tiêu về mọi mặt. Giảm thiểu tối đa các tai biến xảy ra trong quá trình điều trị tại khoa. Số bệnh nhân vào chăm sóc và điều trị tại khoa trung bình ≈ 5000 ca/1 năm (riêng năm 2007 lên tới ≈ 5500 ca với công suất giường bệnh đạt 120%). Đảm nhiệm chăm sóc và theo dõi thai phụ tiền sản khó là phần việc mới đối với khoa, xong đã sắp xếp phân nhiệm hợp lý và đã đạt chất lượng tốt cả trong theo dõi, chăm sóc và thực hiện các ca mổ sản khó tại khoa an toàn.
- Sàng lọc trẻ sơ sinh nhằm giúp phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa, nội tiết và các bệnh tật bẩm sinh… để điều trị kịp thời, sẽ giúp trẻ phát triển bình thường, đó là việc làm vô cùng quan trọng nhưng không phải người mẹ nào cũng hiểu. Vì vậy, đội ngũ điều dưỡng của Khoa luôn dành nhiều thời gian trao đổi, tư vấn để các sản phụ hiểu, hợp tác với Khoa làm tốt công tác sàng lọc sơ sinh. Đến nay, 90% trẻ sơ sinh điều trị tại khoa đã được làm sàng lọc sơ sinh.
- Khoa còn là cơ sở đào tạo có chất lượng về thực hành lâm sàng cho các lớp ĐD, NHS của trường Cao đẳng Y tế, sinh viên các khoá của trường ĐHY HP, các BS thuộc tuyến cơ sở đi học, các BSCKI chuyên ngành và cho cả các BS trẻ của bệnh viện đào tạo tại chỗ trong khoa…
- Công tác chỉ đạo tuyến: Khoa đỡ đầu cho khoa Sản BV Thuỷ Nguyên, đã gắn bó và giúp đỡ có hiệu quả trong việc kiểm tra thường xuyên giúp đỡ chuyên môn, cầm tay chỉ việc, giảng dạy và cập nhật kiến thức mới tại chỗ khi xuống tuyến. Đã giúp khoa Sản BV Thuỷ Nguyên đạt được những thành tích chuyên môn đáng kể góp phần nâng cao rõ rệt chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh tại cộng đồng.
Khoa Sản 3
Cùng với sự phát triển chung của bệnh viện, khoa Sản 3 (trước còn gọi là khoa Sản bệnh) đã có những chuyển biến tích cực tốt đáng tự hào, nhất là 5 năm trở lại đây.
Tình hình hoạt động
- Bệnh viện đã bố trí toàn bộ tầng 1 của toà nhà 4 tầng nhà C và thêm 3 phòng tầng 1 của nhà E làm cơ sở điều trị của khoa.
- Khoa đã bố trí được 105 giường bệnh trong đó có 55 giường phục vụ theo yêu cầu sau mổ, sau đẻ và 15 giường phục vụ theo yêu cầu trước đẻ
- Khoa còn bố trí 5 giường dành cho bệnh nhân nặng với hệ thống oxy tại các đầu giường để sẵn sàng khi có cấp cứu
- Khoa đã được trang bị các dụng cụ soi ối để phát hiện các trường hợp thiểu ối, suy thai trường diễn, thai quá ngày sinh
- Khoa đã được trang bị các máy Doppler để nghe tim thai đặc biệt là 1 máy Monitoring giúp khoa phát hiện các suy thai cấp và mãn tính trong các bệnh lý như thiểu ối, thai quá ngày sinh, dây rau ngắn, quấn cổ, thắt nút… cũng như các trường hợp rau bong non, rau tiền đạo, sa dây rau…
- Bệnh viện cũng hỗ trợ khoa 1 máy siêu âm tổng quát để ngay ở tầng 1 nên các trường hợp cấp cứu, cần hội chẩn đều được hỗ trợ bằng siêu âm kịp thời như rau bong non, thiểu ối, đa ối… Hệ thống máy lạnh, lò sưởi giúp cho buồng bệnh mát về mùa hè và ấm về mùa đông.
- Cùng với sự nâng cấp về máy móc, trang thiết bị thì về tổ chức, nhân sự cũng được kiện toàn và ngày càng hoàn chỉnh. Với đội ngũ bác sĩ và y tá điều dưỡng ngày càng vững vàng về nghiệp vụ chuyên môn, sáng ngời về y đức, tận tâm với người bệnh, chấp hành tốt các quy định của ngành đã làm nên một khoa Sản 3 luôn được người bệnh ngợi khen và yêu mến vì đã hạn chế được các tai biến về chuyên môn.
Khoa Sản 4
Tháng 4/1998 khoa điều trị và phục vụ theo yêu cầu đầu tiên của bệnh viện được thành lập theo quyết định của Giám đốc Sở Y tê trên cơ sở nền móng của khoa hậu sản yêu cầu. Ban đầu khoa có cơ cấu 80 giường bệnh, 1 phòng đẻ, 1 phòng mổ đẻ, 1 phòng mổ phụ. Tổng số biên chế ban đầu là 52 người với nhiệm vụ là đỡ đẻ, mổ lấy thai, mổ phụ khoa và phẫu thuật nội soi, điều trị hậu phẫu, hậu sản.
Đến năm 2002, khoa được bệnh viện tách làm 2 khoa là khoa Phụ yêu cầu và khoa Sản yêu cầu. Năm 2005, khoa được Giám đốc bệnh viện tách ra một lần nữa do nhu cầu phát triển thành 2 khoa là khoa Sản 4 và khoa Sản 5
Tình hình hoạt động
Khoa Sản 4 hiện nay ở tầng 2 của khu nhà 3 tầng, diện tích khoảng 70m2 bao gồm 2 phòng đẻ, 2 phòng chờ, 9 giường chờ đẻ, 4 giường hậu sản 6h. Nhiệm vụ của khoa là đỡ đẻ, mổ lấy thai cho các sản phụ có nhu cầu đẻ ở khu tự chọn yêu cầu
Hàng năm khoa tiếp nhận khoảng trên dưới 4.000 sản phụ vào đẻ và mổ lấy thai. Trong 2 năm qua mặc dù điều kiện cơ sở vật chất rất chật chội nhưng khoa luôn luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, đảm bảo đỡ đẻ và phẫu thuật an toàn cho các sản phụ. Tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên trong khoa tốt, không để bệnh nhân kêu ca phàn nàn.
Khoa còn tham gia công tác chỉ đạo tuyến trước, định kỳ kiểm tra tuyến và đào tạo cho tuyến trước. Ngoài ra khoa còn thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp thành phố. Trong 3 năm đã có 3 đề tài nghiên cứu và được ứng dụng và hiện tại được áp dụng thường quy tại khoa và tại bệnh viện.
Khoa Sản 5
Khoa Sản 5 được thành lập vào tháng 11/2005, biên chế gồm: 6 bác sĩ, 23 điều dưỡng, có 55 giường bệnh. Nhiệm vụ của khoa là điều trị bệnh nhân tiền sản, hậu sản theo yêu cầu bao gồm bệnh nhân tiền chuyển dạ, bệnh nhân đẻ khó (ngôi ngang, ngôi ngược, vết mổ đẻ cũ, thai to…); bệnh nhân sau đẻ, sau mổ… có nhu cầu được phục vụ theo yêu cầu.
Tình hình hoạt động
- Hai năm qua, khoa đã điều trị trên 800 bệnh nhân tiền sản yêu cầu, thực hiện hơn 200 ca phẫu thuật an toàn, không để xảy ra các tai biến cho mẹ và con. Điều trị trên 12000 bệnh nhân hậu sản, hậu phẫu. Trong thời gian dài khoa luôn ở trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân đông nhưng tập thể cán bộ viên chức của khoa luôn cố gắng tận tình phục vụ chăm sóc bệnh nhân, tìm nhiều giải pháp tháo gỡ như nâng cao chất lượng điều trị, giảm đến mức thấp nhất nhiễm khuẩn hậu sản, cho ra viện sớm…
- Bình quân ngày điều trị trung bình của bệnh nhân hậu sản là 2,5 ngày, của bệnh nhân hậu phẫu là 6 ngày. Khoa đang nghiên cứu các phương án chăm sóc bệnh nhân tại nhà để giảm tải, giảm bớt khó khăn cho người bệnh. Hai năm qua, khoa không để xảy ra một tai biến điều trị đáng tiếc nào.
- Tập thể cán bộ viên chức của khoa luôn cố gắng tu dưỡng, phấn đấu, học tập nâng cao y đức, tinh thần trách nhiệm, nâng cao trình độ chuyên môn (hiện khoa đang có 1 BS học CK2, 1 BS học CK1 và 5 điều dưỡng đang theo học cử nhân)
- Trong những năm tới, tập thể CBVC của khoa sẽ cố gắng hơn nữa để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của bệnh viện giao, phục vụ ngày càng tốt hơn, chất lượng điều trị ngày càng cao hơn để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của bệnh viện và của ngành y tế.
Khoa Phụ ngoại
Khoa Phụ ngoại được thành lập từ năm 1978. Tiền thân là phòng Phụ ngoại thuộc khoa Sản bệnh viện Việt Tiệp.
Tình hình hoạt động
Cùng với sự phát triển chung của bệnh viện, khoa Phụ ngoại đã có nhiều tiến bộ, phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt:
- Thực hiện chăm sóc bệnh nhân toàn diện;
- Tham gia chỉ đạo tuyến, đào tạo, nghiên cứu khoa học;
- Bệnh nhân vào điều trị tại khoa được phục vụ tận tình chu đáo, được hội chẩn và xếp lịch mổ ngay không phải chờ đợi lâu;
- Thực hiện các kỹ thuật hiện đại trong y học: mổ nội soi chẩn đoán và xử trí (chửa ngoài tử cung, u nang buồng trứng), nội soi phẫu thuật.
Những thành tích nổi bật trong 5 năm qua:
- 98% tổng số bệnh nhân vào khoa cấp cứu là chửa ngoài tử cung và u nang buồng trứng được phẫu thuật nội soi, đây là tiến bộ vượt bậc của khoa học. Trong đó 3 bác sĩ được đào tạo tại bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ, còn lại tất cả các bác sĩ trong khoa đều có thể tham gia thực hành thao tác dụng cụ và phụ mổ phẫu thuật nội soi.
- Phẫu thuật trên 400 ca trong một năm đều an toàn, không để lại tai biến, hậu quả nặng nề, bệnh nhân sớm được hồi phục, không để mất máu, sớm được xuất viện.
Với những thành tích kể trên, khoa Phụ ngoại đã 2 lần nhận bằng khen của Sở Y tế Hải Phòng và của Uỷ ban nhân dân Thành phố.
Khoa Phụ nội
Khoa Phụ nội tách ra từ khoa phụ nói chung, chuyển lên tầng 4 khang trang, sạch sẽ với 10 phòng bệnh. Trong đó có 02 phòng phục vụ theo yêu cầu người bệnh.
Tình hình hoạt động
- Với đội ngũ thầy thuốc, điều dưỡng có thâm niên, có bề dày kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao đã điều trị thành công rất nhiều trường hợp bệnh trầm trọng, hiểm nghèo.
- Nhiều bệnh nhân vào vì thiếu máu nặng, nhà ngoại thành, kinh tế khó khăn được tập thể khoa điều trị tích cực, động viên chăm sóc ân cần, khi xuất viện đã rất cảm động và biết ơn tập thể khoa.
- Những bệnh nhân ung thư được phẫu thuật, chăm sóc, điều trị và an ủi sẻ chia đã làm vơi đi nỗi buồn và thất vọng của người bệnh.
- Với đội ngũ 1 BSCK2, 2 BSCK1, 3 cử nhân điều dưỡng vẫn còn chưa đáp ứng với nhu cầu. Khoa sẽ cử bác sĩ, điều dưỡng viên đi học nâng cao góp phần cùng bệnh viện tạo nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật vững vàng.
Khoa Sơ sinh
Tình hình hoạt động
Khoa tổ chức tự đào tạo chuyên môn chuyên khoa nhi cho Y tá, Nữ hộ sinh. Khoa cũng đã tổ chức những đợt tham quan, học tập chuyên môn cho Y tá, Nữ hộ sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đến nay biên chế của khoa có 09 bác sĩ (1 CKII, 6 CK-I Nhi, 1 thạc sĩ sắp tốt nghiệp tại Pháp; có 4 trong 9 Bác sĩ đã được thực tập nội trú 1 năm ở Pháp), 23 Nữ hộ sinh- Ytá (02 Cử nhân điều dưỡng, 02 đang học đại học điều dưỡng).
Đó là những điều kiện để Khoa không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, giảm được đáng kể tỉ lệ tử vong sơ sinh sau đẻ 7ngày (từ 28,3 %o năm 1987 xuống 1,4 %o năm 2007).
Khoa luôn có sự phối hợp chặt chẽ với chuyên khoa Sản, góp phần đáng kể giảm tỉ lệ sơ sinh ngạt sau đẻ (8,7% năm 1989 xuống dưới 1% năm 2007). Để nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ non tháng, khoa đã triển khai phương pháp Bà mẹ Kangooroo, áp dụng và cải tiến oxy liệu pháp, chiếu đèn dự phòng, dinh dưỡng sớm bằng sữa mẹ qua sonde nhỏ giọt dạ dày... từ đó giảm dần tỉ lệ tử vong trẻ non tháng, đặc biệt trẻ có cân nặng dưới 1500gr ( 65,9% năm 1995-1997 xuống 48,3% năm 1998-1999).
Từ cuối năm 2007 khoa đã phối hợp với Trung tâm mắt HP tổ chức khám sàng lọc bệnh võng mạc cho 114 trẻ sinh non < 2000gr, phát hiện sớm và gửi đi điều trị kịp thời cho 9 cháu. Khoa cũng thường xuyên chú trọng công tác vệ sinh vô khuẩn, phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhiễm khuẩn mẹ- con theo đúng phác đồ. Do đó đã giảm được tỉ lệ Nhiễm khuẩn từ 2,44%( năm 1991-1992) xuống 0,65% (năm 1995-1997), giảm được tỉ lệ tử vong trong nhóm Nhiễm khuẩn từ 42,2% (năm 1995-1997) xuống 18,1% (năm 1998-1999).
Cơ sở vật chất
Bên cạnh yếu tố con người, Khoa được bệnh viên đầu tư không ngừng về trang thiết bị. Năm 2000 khoa được nhận một số trang thiết bị của chương trình ODA (Máy thở, bàn hồi sức, máy hút nhớt, bộ nội khí quản và bóng bóp sơ sinh...). Năm 2001 Khoa được nhận sự tài trợ của L’APPEL- một tổ chức nhân đạo phi chính phủ của Pháp. Chương trình hợp tác với L’APPEL đã giúp Khoa trong việc đào tạo lại chuyên môn cho nhân viên (chuyên gia Pháp sang làm việc tại khoa và trưởng khoa sang thực tập tại Pháp), cung cấp cho Khoa thêm một số trang thiết bị (máy đo Bilirubin qua da, lồng ấp, đèn chiếu vàng da, máy tạo oxygen, máy truyền tĩnh mạch...) và thiết kế một Khoa sơ sinh mới, hiện đại( hệ thống điện an toàn, ổn định; hệ thống lọc nước sạch để tắm bé...). Năm 2006 có 2 máy thở CPAP, 2 máy đo độ bão hòa oxy qua da. Đầu năm 2007 có hệ thống oxy trung tâm. Cuối năm 2007 có 1 máy thở sơ sinh.
Khoa Phụ yêu cầu
Khoa Phụ yêu cầu được quyết định tách ra từ khối phục vụ theo yêu cầu từ tháng 1/2002, gồm có 16 nhân viên, trong đó có 5 bác sĩ và 11 nữ hộ sinh. Khoa đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô cũng như uy tín và trở thành một khoa lâm sàng quan trọng của bệnh viện và là địa chỉ tin cậy không thể thiếu trong công tác khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân Hải Phòng, cũng như các tỉnh lân cận vùng Duyên hải Bắc bộ.
Hoạt động chuyên môn
Khoa đã đưa vào nghiên cứu, triển khai và áp dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới như điều trị chửa ngoài tử cung chưa vỡ bằng Methotrexate, phẫu thuật nội soi cho chửa ngoài tử cung, khối u buồng trứng, vô sinh, kỹ thuật cắt tử cung hoàn toàn qua nội soi, kỹ thuật cắt tử cung đường âm đạo và hiện nay là kỹ thuật cắt tử cung hoàn toàn kết hợp giữa cắt nội soi và cắt đường âm đạo.
Mặc dù số lượng bệnh nhân vào càng nhiều nhưng khoa đã rất thận trọng cân nhắc để hạn chế thấp nhất tai biến xảy ra cho người bệnh. Tỷ lệ tai biến phải mổ lại của khoa trong các năm giao động khoảng 0,4 - 0,5%.
Khoa còn thực hiện tốt, thuần thục các loại hình phẫu thuật sản - phụ khoa hiện có như phẫu thuật cắt tử cung trong mổ mở, phẫu thuật sa sinh dục, phẫu thuật ung thư sản khoa, phẫu thuật thẩm mỹ…
Khoa đã nghiên cứu cải tiến thành công nhằm giảm chi phí, đơn giản hơn về kỹ thuật, tính an toàn cho người bệnh cao hơn, phục hồi sức khoẻ nhanh hơn và tính thẩm mỹ cao hơn như trong phẫu thuật cắt tử cung đường bụng, phẫu thuật sa sinh dục được người bệnh tin tưởng và chấp nhận.
Khoa Gây mê hồi sức
Khoa Gây mê hồi sức bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng là một khoa lớn của bệnh viện. Nhiệm vụ của khoa là tiến hành gây mê cho toàn bộ các trường hợp cần phẫu thuật trong bệnh viện và tiến hành hồi sức cấp cứu các trường hợp bệnh nhân nặng.
Trang thiết bị
Năm 2003 khoa GMHS có 6 bàn mổ. Đến năm 2008 đã có 7 bàn mổ. Các bàn mổ đều được trang bị máy thở, monitoring theo dõi nhưng mặc dù số lượng máy móc có đủ nhưng chất lượng không đảm bảo. Máy thở, máy theo dõi đều trục trặc, nhiều lúc không chính xác. Rất mong Ban Giám đốc quan tâm trang bị lại cho hệ thống máy móc để các ca mổ đạt kết quả cao hơn.
Tình hình hoạt động
Sau mỗi năm số lượng các ca mổ ngày càng nhiều: có rất nhiều các trường hợp nặng nề; có ca phải truyền đến 20 đơn vị máu; có ca dị ứng nặng nề phải sử dụng Adrenalin số lượng lớn mới cứu sống được bệnh nhân; nhiều ca tiền sản giật nặng, rau bong non, bệnh nhân tim mạch. Tuy nhiên với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể, khoa luôn hoàn thành nhiệm vụ không để xảy ra tử vong đáng tiếc trong bệnh viện.
Khoa GMHS cũng như toàn thể bệnh viện thực hiện nhiệm vụ của bệnh viện hạng I là giúp đỡ cho tuyến dưới. Từ năm 2003 - 2008, kíp phẫu thuật của bệnh viện đã tổ chức xuống cấp cứu cho tất cả các bệnh viện của huyện, nhà dân để cấp cứu, chúng tôi đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân.
Mặt khác khoa GMHS cũng tổ chức đào tạo thêm kiến thức về gây mê cho một số bệnh viện tuyến dưới như bệnh viện An Dương, An Lão, Cát Hải. Toàn bộ các học viên học tập tại khoa đã trở về làm việc có hiệu quả.
Khoa Quản lý thai nghén và Chẩn đoán trước sinh
Khoa Quản lý thai nghén và Chẩn đoán trước sinh được thành lập ngày 15/12/2015, tiền thân là đơn nguyên Chẩn đoán trước sinh thuộc khoa Khám yêu cầu.
Chức năng nhiệm vụ
1. Khám quản lý thai nghén
2. Sàng lọc trước sinh các dị tật bẩm sinh thai nhi và bất thường nhiễm sắc thể
3. Tiên phong trong phát triển kỹ thuật cao của chẩn đoán trước sinh như chọc ối, làm Karyotype, chẩn đoán tiền phôi, NIPT ... kết hợp với các đơn vị bạn sàng lọc những bệnh lý thường gặp trong thai kỳ như: đái tháo đường thai kỳ, Thalassemia…
4. Tổ chức lớp tiền sản cung cấp các thông tin hữu ích cho thai phụ và gia đình thai phụ
5. Đào tạo và chỉ đạo tuyến về lĩnh vực sàng lọc và chẩn đoán trước sinh
6. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sàng lọc và chẩn đoán trước sinh
Tình hình hoạt động
- Tập thể CBVC của Khoa đã không ngừng học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và lao động để duy trì những thành quả đã đạt được, nâng cao số lượng và chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Bệnh viện và của ngành Y tế.
- Khoa đã tạo được uy tín, thu hút được đông đảo sản phụ thành phố và các vùng lân cận đến khám, được đồng nghiệp tin tưởng gửi bệnh nhân đến hội chẩn những ca khó. Số lượt khám, siêu âm thai năm sau luôn tăng hơn so với năm trước.
- Khoa đi tiên phong trong phát triển kỹ thuật cao của chẩn đoán trước sinh như chọc ối, làm Karyotype, chẩn đoán tiền phôi, NIPT ... kết hợp với các đơn vị bạn sàng lọc những bệnh lý thai kỳ như Đái tháo đường thai kỳ, Thalassemia… đem lại chất lượng phục vụ toàn diện, được người bệnh tin tưởng, tín nhiệm.
- Chẩn đoán chính xác nhiều trường hợp bất thường thai nhi và phần phụ khó, hiếm gặp như dây rau thắt nút, rau cài răng lược…, dẫn đến xử trí kịp thời, mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho bệnh nhân và gia đình.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị
- Cơ sở vật chất được xây mới khang trang, rộng rãi, mặt đường Đinh Tiên Hoàng nên thuận tiện cho bệnh nhân đến khám: hệ thống điều hòa tổng ở hành lang, đèn điện, ti vi hiện đại cho người nhà ngồi chờ có thể thấy hình ảnh siêu âm của thai nhi, đảm bảo vệ sinh, mát về mùa hè và ấm về mùa đông.
- Khoa được trang bị hệ thống máy móc thế hệ mới hiện đại phục vụ tốt nhất cho việc khám quản lý thai và sàng lọc trước sinh:
- 03 máy siêu âm 5D hiện đại và mới nhất hiện nay: 02 máy Samsung WS80A và 01 máy Volusion E6 GE
- 04 máy Monitoring
- 10 máy tính kết nối mạng
- 02 máy Doppler với trang thiết bị đồng bộ
- 01 máy điện tâm đồ
- Đến quý 3 năm 2019, khoa chuyển sang khu nhà mới 09 tầng với cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Khoa Chẩn đoán hình ảnh
Khoa Chẩn đoán hình ảnh gồm 2 đơn nguyên:
+ Đơn nguyên Siêu âm: gồm 5 phòng siêu âm được đầu tư máy siêu âm hiện đại, như máy siêu âm 3D, 4D nhằm nâng cao kĩ thuật, chất lượng chẩn đoán và đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân, thu hút lượng bệnh nhân đến siêu âm trong năm 2018 là 80.719 lượt..
+ Đơn nguyên X quang: có 2 buồng Xquang, được trang bị máy chụp hiện đại phục vụ chuyên khoa sâu.
Hoạt động chuyên môn
Với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm được đào tạo chuyên sâu về chẩn đoán hình ảnh tại các bệnh viện lớn: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Từ Dũ… Cán bộ viên chức trong Khoa luôn tham gia học tập không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ nhằm nắm bắt kĩ thuật mới hiện đại, trau dồi đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử đem lại sự hài lòng cho người bệnh.
- Đơn nguyên Siêu âm:
Đơn nguyên được đầu tư trang thiết bị hiện đại như: máy siêu âm đàn hồi mô vú và quét 3D tuyến vú nhằm phát hiện sớm khối u vú, giúp chẩn đoán chính xác tránh bỏ sót ung thư vú. Vì vậy thu hút đông đảo lượng bệnh nhân trong thành phố cũng như khu vực miền duyên hải. Từ 11/09/2018 đến nay đã có trên 3.000 lượt bệnh nhân đến siêu âm, phát hiện được nhiều khối u và ung thư tuyến vú.
- Đơn nguyên X quang:
Được trang bị máy chụp hiện đại phục vụ chuyên khoa sâu, trong đó có máy can thiệp mạch để triển khai kĩ thuật nút mạch điều trị u cơ trơn tử cung, lạc nội mạc tử cung, chảy máu sau đẻ, giãn tĩnh mạch tinh… Đây là một kĩ thuật nhằm điều trị bảo tồn, can thiệp xâm lấn tối thiểu nhằm giúp cho người bệnh rút ngắn thời gian điều trị, phục hồi sức khỏe nhanh, tự tin trong cuộc sống, có thể mang thai lại, không để lại sẹo…
Khoa Dinh dưỡng
Năm 1978, Bệnh viện Phụ sản được thành lập, khoa Dinh dưỡng cũng được hình thành. Thời kỳ còn bao cấp, khoa phục vụ bệnh nhân theo chế độ qui định của nhà nước. Sau khi xoá bỏ bao cấp, cùng với việc quán, hàng ăn ngày một nhiều xung quanh bệnh viện, Bệnh viện cho phép tư nhân đấu thầu mở căng tin ăn uống phục vụ gây không ít khó khăn cho công tác phục vụ bệnh nhân của khoa Dinh dưỡng. Tuy nhiên với sự phục vụ tận tình, chu đáo, kỹ thuật cao, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khoa Dinh dưỡng đã dần khẳng định được mình.
Tình hình hoạt động
- Để đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân và nhân viên khoa đang từ 11 đồng chí hiện nay khoa có 15 đồng chí. Từ tháng 9/2004, ngoài công tác phục vụ bệnh nhân ra, khoa còn phục vụ xuất ăn tại chỗ cho các y bác sĩ trực trong toàn bệnh viện. Mỗi ngày 100 xuất ăn cho nhân viên, 200 xuất cho bệnh nhân các khoa trong bệnh viện (kể cả các ngày lễ, tết và thứ 7, chủ nhật)
- Đến tháng 6/2007, khoa phục vụ cơm hộp lên các khoa phòng và phục vụ ăn theo yêu cầu bệnh lý.
- Giữa tháng 4/2008 ngoài phục vụ bệnh nhân theo khẩu phần ăn cơm hộp, khoa còn mở rộng điểm bán căng tin, bán cơm phục vụ nhân viên, người nhà bệnh nhân ăn sáng, trưa và tối.
- Điều kiện làm việc của khoa được cải thiện. Quá trình chế biến, nấu ăn được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điểm phấn khởi của khoa là không để trường hợp nào ngộ độc thức ăn.
- Hiện nay khoa Dinh dưỡng đã có qui mô tương đối hoàn chỉnh với khu nhà gần 100m2, gồm 1 phòng chế biến thức ăn và 2 phòng ăn có khả năng phục vụ hàng trăm suất ăn. Khoa có tủ lạnh, nồi cơm điện, giá để thức ăn, vật dụng, bếp ga... có đủ khả năng phục vụ cho > 200 suất ăn mỗi ngày, theo từng chế độ: theo yêu cầu, theo bệnh lý, theo y lệnh của bác sĩ điều trị. Ngoài ra Khoa còn được giao thêm nhiệm vụ pha sữa cho toàn bộ nhi trong bệnh viện.
Khoa Chống nhiễm khuẩn
Ngay từ khi bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng được thành lập, công tác chống nhiễm khuẩn luôn được các y bác sĩ quan tâm thực hiện. Tuy nhiên công tác này trong giai đoạn đầu còn mang tính thụ động nên được chia làm nhiều phần việc riêng lẻ theo yêu cầu thực tế và tự đảm nhận của từng khoa khác nhau.
Qua quá trình xây dựng và trưởng thành, khoa Chống nhiễm khuẩn luôn luôn được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, ban Giám đốc bệnh viện. Đội ngũ CBVC của khoa đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Trong đó biên chế khoa có từ 24 CBVC nay lên đến 56 CBVC; về chuyên môn ban đầu chỉ có 01 dược sĩ nay đã có 3 đồng chí trình độ đại học và trên đại học, 1 cử nhân cao đẳng, 6 đồng chí có trình độ trung cấp, 12 công nhân đứng máy có kỹ thuật cao. Đến nay toàn bộ các CBVC của khoa đang hăng hái tham gia các phong trào thi đua của bệnh viện, phấn đấu lập thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn của bệnh viện giao cho.
Khoa Huyết học
Khoa Huyết học Gồm 02 đơn nguyên huyết học và truyền máu. Khoa có nhiệm vụ: thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm huyết học và cung cấp máu cho điều trị và cấp cứu. Trong thời gian tới phần thu gom máu được chuyển về trung tâm huyết học truyền máu, nhiệm vụ của đơn nguyên truyền máu còn lại là đảm bảo phát máu an toàn cho người bệnh.
Tình hình hoạt động
Khoa được trang bị thêm 01 máy phân tích máu 22 thông số ADVIA70. Khoa đã thực hiện các xét nghiệm đông máu vòng đầu (first line test) cho các bệnh nhân mổ phụ và các bệnh nhân có nguy cơ cao như nhiễm độc thai nghén, thai chết lưu, rau tiền đạo, rau bong non… trên máy đông bán tự động. Khoa đang chuẩn bị cho việc triển khai các xét nghiệm đông máu vòng đầu như 1 xét nghiệm thường quy thăm dò chức năng đông máu cho tất cả các sản phụ vào mổ đẻ và mổ phụ cũng như những bệnh nhân có nguy cơ cao trên máy đông máu tự động với tính năng vượt trội và độ chính xác cao, không thể thay thế cho các xét nghiệm máu đông, máu chảy thủ công và kém nhạy trước đây
Bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện phụ sản Hải Phòng
Bệnh viện hiện thăm khám theo các hình thức:
- Khám thường
- Khám BHYT
- Khám dịch vụ/ ngoài giờ
Tại Bệnh viện phụ sản Hải Phòng, bảng chi phí khám có rất nhiều mức. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và phương pháp điều trị. Bệnh nhân có thể liên hệ với Bệnh viện để được tư vấn gói khám, và biết chính xác về giá dịch vụ phù hợp
Bạn có thể tham khảo bảng giá chi tiết Bệnh viện phụ sản Hải Phòng để nắm rõ mức giá dịch vụ khi khám chữa bệnh tại bệnh viện này.
Hệ thống Bệnh viện phụ sản Hải Phòng
Tìm chi nhánh bệnh viện
Hướng dẫn khám chữa bệnh tại BV phụ sản Hải Phòng và những điều cần lưu ý
Quy trình khám bệnh tại BV phụ sản Hải Phòng
Bước 1: Người bệnh đến trực tiếp quầy tiếp nhận thông tin, điền đầy đủ thông tin vào phiếu khai thông tin như: tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên lạc ,…
Bước 2: Sau khi cung cấp thông tin, lấy số thứ tự của mình và được hướng dẫn ngồi chờ
Bước 3: Bệnh nhân ngồi tại ghế chờ theo số thứ tự.
Bước 4: Nộp phiếu khai thông tin tại quầy đăng nhập để làm hồ sơ khám.
Bước 5: Đợi đến số thứ tự của mình và vào khám
Bước 6: Làm theo chỉ định của bác sĩ: siêu âm, xét nghiệm,… nếu có
Bước 7: Nộp phí siêu âm, xét nghiệm (nếu có)
Bước 8: Lên phòng khám siêu âm, xét nghiệm và đợi kết quả
Bước 9: Lấy kết quả và quay trở lại phòng khám gặp bác sĩ
Bước 10: Lấy toa thuốc và tới nhà thuốc mua thuốc, thanh toán rồi ra về
Câu hỏi thường gặp khi khám chữa bệnh tại BV phụ sản Hải Phòng
Đăng Ký Tư Vấn Bảo Hiểm
Viết bình luận
Nội quy : nhận xét có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu. Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần bị baned nick.
Bênh Viện Tương Tự
Bệnh viện Quốc tế Green
Số 738 Nguyễn Văn Linh, Niệm Nghĩa, Lê Chân, Hải PhòngBệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng
124 Nguyễn Đức Cảnh, Cát Dài Q Lê Chân, Hải PhòngBệnh viện Kiến An
35 Trần Tất Văn, Phù Liễn, Kiến An, Hải PhòngBệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp
Số 1 đường Nhà Thương, P. Cát Dài, Q. Lê Chân, TP.Hải PhòngBệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên
Thôn 6 - Xã Thủy Sơn - Huyện Thủy Nguyên - Thành phố Hải Phòng
Có 0 bình luận