Các loại trái phiếu trên thị thị trường nhà đầu tư mới nên biết
Mục lục [Ẩn]
Các loại trái phiếu trên thị trường
1.1. Trái phiếu chính phủ
Trái phiếu Chính phủ là loại chứng khoán do Bộ Tài Chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc các dự án đầu tư thuộc phạm vi nhà nước. Tương tự như trái phiếu doanh nghiệp thông thường, trái phiếu Chính phủ là hình thức Nhà nước vay vốn từ nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức. Bởi vậy, mức độ rủi ro qua kênh đầu tư này là rất thấp, nhà đầu tư sẽ được cam kết nhận được lợi nhuận hàng năm vào khoảng 3,2 - 4,4%/năm.
Hiện nay, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam thường là 2 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc 30 năm. Theo đó, kỳ hạn trái phiếu càng lâu thì lợi nhuận càng lớn và ngược lại.
Trái phiếu Chính phủ có 3 loại bao gồm:
- Tín phiếu kho bạc: Là trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn đầu tư 13 tuần, 26 tuần hoặc 52 tuần. Mệnh giá tín phiếu phát hành là đồng Việt Nam
- Trái phiếu kho bạc: Là trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn đầu tư từ 1 năm trở lên. Mệnh giá trái phiếu phát hành là đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.
- Công trái xây dựng Tổ quốc: Là trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 1 năm trở lên. Mệnh giá trái phiếu phát hành là đồng Việt Nam với mục đích huy động vốn để đầu tư xây dựng những công trình quan trọng quốc gia và các công trình thiết yếu.
Trái phiếu Chính phủ có mức độ rủi ro thấp
1.2. Trái phiếu ngân hàng
Trái phiếu ngân hàng là một loại giấy vay nợ chứng nhận phần nợ của ngân hàng với nhà đầu tư cho vay. Về bản chất, các nhà đầu tư khi mua trái phiếu ngân hàng trở thành chủ nợ. Khi đến kỳ đáo hạn, phía ngân hàng có trách nhiệm phải thanh toán đầy đủ vốn vay và lãi suất theo quy định đã cam kết vào thời điểm phát hành.
Đầu tư vào trái phiếu ngân hàng sẽ phù hợp cho những nhà đầu tư không ưa mạo hiểm và đề cao tính ổn định. Lãi suất trái phiếu ngân hàng là khoản cố định ở mỗi kỳ và không phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động kinh doanh.
1.3. Trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư trở thành chủ nợ của doanh nghiệp và được cam kết nhận lãi suất định kỳ và nhận lại vốn gốc khi đến kỳ hạn.
Thông thường, trái phiếu doanh nghiệp sẽ có mức lợi nhuận cao hơn so với trái phiếu ngân hàng và trái phiếu Chính phủ. Bởi vậy, mức độ rủi ro từ kênh đầu tư này cũng lớn hơn.
Mức lời và lỗ khi đầu tư trái phiếu đến từ đâu?
Lợi nhuận:
Khi đầu tư trái phiếu, tức nhà đầu tư cho đơn vị phát hành vay vốn để kinh doanh và mở rộng sản xuất. Nhà đầu tư sẽ được đơn vị phát hành thỏa thuận và cam kết mức lợi nhuận nhận được cố định hàng năm (thường trả 1 năm/lần). Mức lợi nhuận này sẽ không chịu bất kỳ tác động nào như: hiệu quả kinh doanh, biến động thị trường,...
Khi đến thời gian đáo hạn, đơn vị phát hành sẽ có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ vốn vay và mức lãi suất đã cam kết.
Rủi ro/lỗ:
Mặc dù được cam kết mức lãi suất hàng năm, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn có thể đổi mặt với rủi ro đơn vị phát hành trái phiếu phá sản. Tuy nhiên so với cổ phiếu, khi rơi vào trường hợp này nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu sẽ được ưu tiên thực hiện thanh toán trước. Trường hợp đơn vị phát hành không có khả năng thực hiện thanh toán, nhà đầu tư và đơn vị phát hành có thể thực hiện thỏa thuận về giãn nợ, hoặc trừ nợ thông qua các tài sản thanh lý.
Trái phiếu doanh nghiệp thường có tiềm năng sinh lời lớn
Cách mua trái phiếu hiện nay
3.1. Mua qua công ty quản lý quỹ
Đây là cách đầu tư tiện lợi, an toàn cho những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trên thị trường chứng khoán. Khi mua và nắm giữ chứng chỉ quỹ từ công ty quản lý quỹ sẽ đồng nghĩa với việc bạn đang ủy thác vốn cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp để họ đầu tư hộ.
Nhằm hạn chế rủi ro, các công ty quản lý quỹ luôn cố gắng đa dạng hóa danh mục đầu tư. Với vai trò ủy thác đầu tư, bạn có thể lựa chọn quỹ mở trái phiếu để có tính ổn định cao, mức độ rủi ro thấp.
Tại thị trường Việt Nam, một số quỹ mở trái phiếu ngân hàng mà bạn có thể tham khảo: Quỹ đầu tư trái phiếu Techcombank (TCBF), Quỹ đầu tư trái phiếu MB (MBBOND),...
3.2. Mua qua trực tiếp tại đơn vị phát hành
Bước 1: Khi nhận được thông tin phát hành trái phiếu, nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu trực tiếp tại ngân hàng phát hành (tại quầy hoặc bộ phận hỗ trợ kinh doanh).
Bước 2: Thanh toàn tiền đặt cọc mua trái phiếu ngân hàng.
Bước 3: Xác nhận đặt mua thành công.
3.3. Mua qua công ty chứng khoán
Mua trái phiếu qua sàn giao dịch chứng khoán là một trong những cách phổ biến, tiện lợi và được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Bước 1: Mở tài khoản giao dịch
Bạn có thể mở tài khoản giao dịch tại các công ty chứng khoán uy tín như VPS, SSI, VND,...
Bước 2: Đặt lệnh giao dịch
Bước 3: Khớp lệnh
Thị trường trái phiếu hiện nay cung cấp nhiều lựa chọn đa dạng cho các nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro và mục tiêu tài chính khác nhau. Trái phiếu Chính phủ và trái phiếu ngân hàng mang đến sự an toàn và lợi nhuận ổn định, trong khi trái phiếu doanh nghiệp có tiềm năng lợi nhuận cao hơn nhưng đi kèm với rủi ro lớn hơn. Do đó, tùy thuộc vào mong muốn và mục tiêu cá nhân mà bạn có thể lựa chọn kênh đầu tư phù hợp.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất