Chỉ số P/E là gì? Cách đánh giá cổ phiếu theo chỉ số P/E
Mục lục [Ẩn]
Chỉ số P/E là gì?
Theo Wikipedia, chỉ số P/E (còn được gọi là tỷ số P/E, hệ số P/E) là hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu. Tiếng Anh là Price to Earning Ratio, viết tắt là PER.
Trong chứng khoán, chỉ số P/E được hiểu là tỷ số tài chính dùng để đánh giá mối liên hệ giữa thị giá hiện tại của một cổ phiếu (giá trên sàn chứng khoán) và tỷ số thu nhập trên cổ phần. Hay nói cách khác, chỉ số này cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho một cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Hiểu một cách đơn giản, chỉ số P/E là chỉ số phản ánh mối quan hệ giữa thị giá (giá thị trường cổ phiếu hiện hành) với lợi nhuận sau thuế trong một năm của một công ty cụ thể.
Chỉ số P/E là một chỉ số tài chính rất quan trọng trong chứng khoán, được dùng để đánh giá tiềm năng của một cổ phiếu.
P/E là chỉ số tài chính quan trọng trong chứng khoán
Các yếu tố tác động đến chỉ số P/E
Chỉ số P/E chịu sự tác động của một số yếu tố dưới đây:
- Thu nhập và giá: Đây là hai yếu tố đầu tiên tác động đến sự thay đổi của chỉ số P/E. Theo đó, khi giá chứng khoán cao, thu nhập mỗi cổ phiếu thấp sẽ khiến chỉ số P/E tăng cao và ngược lại nếu giá thấp, thu nhập cao sẽ làm cho chỉ số P/E giảm.
- Điều kiện kinh tế: Các điều kiện kinh tế sẽ có sự tác động đến thu nhập của doanh nghiệp và thị trường tài chính cho nên chúng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ P/E. Theo đó:
- Nếu nền kinh tế tăng trưởng, lạm phát thấp thì sẽ làm tăng chỉ số P/E khi dòng tiền tăng vào chứng khoán với dự đoán thu nhập và cổ tức sẽ tăng trưởng.
- Nếu lãi suất tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao và mức tiêu dùng thấp, dẫn đến doanh số giảm, chi phí hoạt động cao và thu nhập giảm thì sẽ làm giảm nhu cầu đối với cổ phiếu của nhà đầu tư. Từ đó làm giảm hệ số P/E trên một số ngành hoặc một số công ty.
- Chính sách cổ tức của công ty: Những công ty có chính sách cổ tức tốt, chỉ số P/E sẽ cao hơn.Thực tế chi trả cổ tức sẽ không có tác động làm tăng thu nhập, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn chấp nhận trả giá cao hơn cho cổ phiếu để nhận cổ tức thường xuyên, nhất là trong điều kiện lãi suất cơ bản thấp.
- Khoản nợ của công ty: Nếu một công ty gia tăng các khoản nợ, nhà đầu tư sẽ lo ngại chi phí nợ cao, ảnh hưởng đến thu nhập tương lai của công ty. Điều này khiến giá cổ phiếu giảm và tỷ lệ P/E của cổ phiếu sẽ giảm.
Tiềm năng về sự phát triển của doanh nghiệp: Nếu công ty có các kế hoạch tăng trưởng trong tương lai như mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới... thì sẽ thu hút nhà đầu tư. Họ sẽ sẵn sàng mua cổ phiếu với giá cao khi kỳ vọng thu được lợi nhuận từ những kế hoạch phát triển mà công ty đã đề ra. Điều này khiến cho chỉ số P/E cao.
Cách tính chỉ số P/E
Tỷ số P/E trong chứng khoán được tính bằng cách lấy giá thị trường bình quân của cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành trong một kỳ nhất định chia cho thu nhập bình quân trên một cổ phần mà doanh nghiệp phải trả cho nhà đầu tư trong kỳ đó. Công thức tính như sau:
Hệ số P/E = Giá thị trường / EPS |
Trong đó: EPS (Tiếng Anh là Earnings per share) là tỷ lệ hoàn vốn đầu tư cổ phiếu. Chỉ số EPS là thành tố quan trọng trong chỉ số P/E, thường được biểu thị bằng % và được tính bằng công thức: EPS = (Thu nhập ròng - cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / (Số lượng cổ phiếu thường đang lưu hành trên thị trường).
Lưu ý: P/E chỉ chính xác khi EPS > 0 tức doanh nghiệp không thua lỗ.
Ví dụ: Cổ phiếu của công ty A được bán trên thị trường chứng khoán là 50.000 đồng phiếu và thu nhập của mỗi cổ phiếu (EPS) là 5.000 đồng. Như vậy, chỉ số P/E sẽ được tính như sau:
Chỉ số P/E = 50.000 / 5.000 = 10
Kết quả này có nghĩa là nhà đầu tư sẵn sàng trả 10 đồng cho 1 đồng lợi nhuận của công ty A kiếm được trong một năm.
Chỉ số P/E được phân chia thành 2 loại gồm: P/E trailing (P/E hiện tại) và P/E Forward (P/E dự phóng tương lai). Trong đó, P/E Forward được tính theo dự báo lợi nhuận trong tương lai. Nhà đầu tư có thể tự tính toán hoặc tham khảo P/E Forward từ các báo cáo phân tích của công ty chứng khoán.
Tính toán được chỉ số P/E giúp xác định được giá cổ phiếu
Ý nghĩa của chỉ số P/E trong đầu tư chứng khoán
Chỉ số P/E có ý nghĩa rất quan trọng trong đầu tư chứng khoán. Theo đó:
- Nhờ vào chỉ số P/E nhà đầu tư có thể đánh giá được tình hình hoạt động của doanh nghiệp đang tốt hay xấu, hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cao hay thấp...
- Thông qua chỉ số P/E nhà đầu tư dễ dàng đưa ra quyết định đầu tư hay không
- Chỉ số P/E là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đã được định giá như thế nào trong tương lai, đồng thời cũng là chỉ số cho nhà đầu tư thấy được một cổ phiếu sẽ hoạt động như thế nào trong tương lai.
Tuy nhiên, chỉ số P/E cũng có những hạn chế nhất định:
- Khiến các nhà đầu tư dễ phạm sai lầm nếu như đánh giá không đúng về triển vọng tăng trưởng của công ty
- Chỉ số P/E chịu sự tác động của nợ. Nếu nợ cao có thể làm giảm mức độ sẵn lòng trả giá cao hơn cho cổ phiếu của nhà đầu tư.
Bởi vậy nhà đầu tư không nên quá lạm dụng trong việc sử dụng chỉ số P/E để đánh giá cổ phiếu.
Cách đánh giá cổ phiếu theo chỉ số P/E
Chỉ số P/E được tính toán nhằm mục đích đánh giá giá trị của một cổ phiếu. Nếu tỷ lệ này càng cao, cổ phiếu/chỉ số càng đắt so với thu nhập của nó. Ngược lại, nếu tỷ lệ này càng thấp, cổ phiếu/chỉ số càng rẻ.
Tuy nhiên, để đánh giá cổ phiếu theo chỉ số P/E, nhà đầu tư nên xem xét các yếu tố sau đây:
Tình hình kinh doanh và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp
Khi đánh giá cổ phiếu thông qua chỉ số P/E, bạn cần phải chú ý đến tốc độ tăng trưởng trong quá khứ cũng như tương lai của cổ phiếu đó. Hầu hết các nhà đầu tư sẽ bị thu hút bởi các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt, liên tục và tình hình kinh doanh ổn định.
Nếu một cổ phiếu có P/E quá cao so với thị trường nhưng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ổn định, tốt so với mặt bằng chung thì nhà đầu tư vẫn sẵn sàng chi trả giá cao hơn để đổi lại sự kỳ vọng về lợi nhuận cao hơn trong tương lai.
Chu kỳ kinh doanh
Khi đánh giá cổ phiếu theo chỉ số P/E bạn cần quan tâm đến chu kỳ kinh doanh của cổ phiếu đó. Theo đó, thông thường một doanh nghiệp đang trong giai đoạn đỉnh của chu kỳ kinh doanh, có biên độ lợi nhuận cao sẽ khiến chỉ số P/E thấp. Còn nếu doanh nghiệp đang ở giai đoạn đáy của chu kỳ thì P/E sẽ cao.
Yếu tố ngành/lĩnh vực
Chỉ số P/E sẽ thực sự hữu dụng nếu chúng ta so sánh các công ty trong cùng ngành, cùng lĩnh vực. Trong nền kinh tế, phần lớn các ngành công nghệ sẽ có chỉ số P/E cao bởi tốc độ tăng trưởng có sự đột phá. Ngược lại, các ngành nông - thủy sản sẽ có P/E thấp hơn, do biên lợi nhuận thấp vì phải phụ thuộc nhiều vào chi phí đầu vào.
Chỉ số P/E cao hay thấp đều bộc lộ những ý nghĩa mà nhà đầu tư cần nắm rõ để đưa ra quyết định đúng đắn khi đầu tư.
- Khi chỉ số P/E thấp
Khi chỉ số P/E thấp có nghĩa là:
- Giá thị trường của cổ phiếu đang ở mức thấp.
- Lợi nhuận mỗi cổ phần (EPS) đang ở mức cao.
- Doanh nghiệp có thể đang gặp vấn đề về dòng tiền, có thể có nguy cơ phá sản…
- Doanh nghiệp có lợi nhuận đột biến do bán tài sản, hoặc công ty đang ở đỉnh của chu kỳ kinh doanh - cổ phiếu theo chu kỳ.
- Khi chỉ số P/E cao:
- Cổ phiếu đang bị định giá quá cao
- Nhà đầu tư đánh giá triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai rất tốt.
- Lợi nhuận của công ty thấp.
- Công ty đang ở vùng đáy chu kỳ kinh doanh.
Những lưu ý khi định giá cổ phiếu theo chỉ số P/E
Đối với việc sử dụng chỉ số P/E để đánh giá cổ phiếu, bạn cần chú ý các vấn đề sau:
- Chỉ số P/E chỉ có tác dụng khi chúng ở trong cùng điều kiện và hoàn cảnh như nhau. Tuy nhiên điều này không hề dễ dàng đối với tất cả các doanh nghiệp.
- Khi mua cổ phiếu có chỉ số P/E cao bạn phải đảm bảo đây là công ty có chất lượng tốt
- P/E cao thường mang nhiều rủi ro hơn P/E thấp vì bạn đang phải mua cổ phiếu với giá đắt. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc mua cổ phiếu có P/E cao sẽ thua lỗ và mua cổ phiếu P/E thấp sẽ có lãi.
- P/E cao thường gắn liền với các công ty tăng trưởng, còn P/E thấp là đặc tính thường thấy của những công ty có tình hình kinh doanh ổn định nhưng lợi nhuận không tăng trưởng.
- EPS có thể âm và chỉ số P/E không có ý nghĩa khi mẫu số âm. trong trường hợp này bạn sẽ phải sử dụng một công cụ khác để định giá cổ phiếu
- Chỉ số P/E được tính toán dựa trên cơ sở số liệu của công ty trong vòng 1 năm. Cho nên hệ số P/E cũng có thể thay đổi giữa các năm. Chỉ số này có thể lên cao hoặc xuống thấp thất thường. Bởi vậy, các nhà đầu tư không nên chỉ dựa vào chỉ P/E trong một năm khi ra quyết định đầu tư, mà cần xem xét chỉ số P/E trong nhiều năm trước. Bạn nên đánh giá P/E trong khoảng thời gian từ 3 - 5 năm
- Khi nghiên cứu về chỉ số P/E không nên chỉ nghiên cứu ở một doanh nghiệp. Nhà đầu tư cũng có thể so sánh chỉ số P/E của công ty này với công ty khác trong cùng ngành hoặc trong cùng nền kinh tế để có quyết định phù hợp khi đầu tư chứng khoán.
Trong đầu tư chứng khoán, P/E là một chỉ số đóng vai trò quan trọng trong việc định giá cổ phiếu. Dựa vào chỉ số P/E, nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn để thu về lợi nhuận. Với những thông tin trên đây hy vọng bạn đã hiểu rõ về chỉ số P/E, cách tính chỉ số này trong đầu tư chứng khoán.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất