Giao kết hợp đồng bảo hiểm là gì? Nguyên tắc giao kết hợp đồng
Mục lục [Ẩn]
Giao kết hợp đồng bảo hiểm là gì?
Giao kết hợp đồng bảo hiểm là thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý về việc xác lập các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Các bên có quyền tự do giao kết hợp đồng bảo hiểm, nhưng nội dung quy định trong hợp đồng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Giao kết hợp đồng bảo hiểm là gì
Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm
Căn cứ Điều 18, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:
“Điều 18. Hình thức hợp đồng bảo hiểm
- Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.
- Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng được ký kết bằng văn bản
Có thể bạn quan tâm: Mẫu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của các công ty bảo hiểm
Nguyên tắc giao kết hợp đồng là gì?
Vì hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận của bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm về việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự nên khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, các bên sẽ phải tuân thủ theo nguyên tắc của pháp luật về dân sự. Căn cứ Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm như sau:
- Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
- Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm: bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm phù hợp với từng loại hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật này;
- Nguyên tắc bồi thường: số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm;
- Nguyên tắc thế quyền: người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi hoàn trong phạm vi số tiền bồi thường bảo hiểm. Nguyên tắc này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;
- Nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên: rủi ro được bảo hiểm phải là những rủi ro bất ngờ, không lường trước được.
5 Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm
Trách nhiệm của các bên khi giao kết hợp đồng bảo hiểm
Căn cứ Khoản 1, Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:
- Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm:
- Cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm
- Giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm
- Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm (tên, tuổi, nghề nghiệp…) cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Lưu ý:
- Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó.
- Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp.
- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và phải bồi thường cho bên mua bảo hiểm. Điều này thường được quy định trong bản quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm mà khách hàng tham gia.
Ví dụ:
- Trong bản quy tắc và điều khoản bảo hiểm liên kết đơn vị của Generali quy định như sau:
“Generali có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến Hợp đồng, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho Bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm. Trường hợp Generali cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng thì Bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện Hợp đồng, Generali sẽ bồi thường thiệt hại phát sinh cho Bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật”.
- Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin không đầy đủ, không trung thực thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể đơn phương chấm dứt hiệu lực hợp đồng hoặc chấp nhận bảo hiểm nhưng giới hạn quyền lợi bảo hiểm hoặc bên mua có thể phải trả thêm phí…
Ví dụ:
Trong bản quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm An Phúc Trọn Đời Ưu Việt của AIA quy định như sau:
“Trường hợp Bên mua bảo hiểm và/hoặc Người được bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin không trung thực hoặc không đầy đủ, theo đó nếu với thông tin chính xác Công ty đã:
- Không thể bảo hiểm được cho Người được bảo hiểm, thì Công ty sẽ không chi trả quyền lợi bảo hiểm và đơn phương chấm dứt hiệu lực Hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng; hoặc
- Chấp thuận bảo hiểm nhưng có giới hạn quyền lợi bảo hiểm hoặc Bên mua bảo hiểm phải trả thêm phí, Công ty có thể:
- Chi trả đầy đủ quyền lợi bảo hiểm sau khi đã thu thêm hoặc khấu trừ khoản phí bảo hiểm phải tăng; hoặc
- Chi trả số tiền bảo hiểm đã giảm tương ứng với mức phí bảo hiểm mà Bên mua bảo hiểm đã đóng; hoặc
- Không chi trả quyền lợi bảo hiểm nằm ngoài giới hạn có thể được bảo hiểm.
Việc cố ý kê khai không trung thực nghĩa là khi Bên mua bảo hiểm và/hoặc Người được bảo hiểm đã biết, đã được thăm khám, chẩn đoán về tình trạng sức khỏe hay đã thay đổi nghề nghiệp nhưng cố ý không kê khai vào Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm”.
Những lưu ý khi giao kết hợp đồng bảo hiểm
Trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm người mua bảo hiểm nên:
- Yêu cầu người bán bảo hiểm phải giải thích rõ những điều khoản, quy tắc, điểm loại trừ áp dụng cho giao kết hợp đồng bảo hiểm.
- Nghiên cứu kỹ những thông tin trong giấy yêu cầu bảo hiểm. Nếu có những yêu cầu cần thiết nhưng không có trong giấy, cần làm thêm phụ lục hợp đồng. Đây là những thông tin quan trọng và doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ vào đó để tính phí bảo hiểm.
- Khi nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm người tham gia cần nghiên cứu rất kỹ các thông tin, số liệu mà đơn vị bảo hiểm cung cấp xem có đúng và đầy đủ những gì ta đã yêu cầu cung cấp chưa. Đặc biệt lưu ý:
+ Thời hạn bắt đầu và kết thúc bảo hiểm
+ Số tiền bảo hiểm
+ Số tiền phí bảo hiểm phải đóng, thời hạn đóng phí bảo hiểm
+ Điều khoản, quy tắc áp dụng
+ Phạm vi bảo hiểm
+ Điều kiện loại hình bảo hiểm, mọi rủi ro, tổn thất toàn bộ hay tổn thất bộ phận
+ Những loại trừ bảo hiểm.
- Nên tìm hiểu xem, bên mua bảo hiểm có quyền sửa đổi bổ sung điều kiện điều khoản, phí bảo hiểm không.
Như vậy, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, khách hàng nên đọc kỹ thông tin trong bản quy tắc và điều khoản bảo hiểm nhân thọ sản phẩm để đảm bảo quyền lợi cho mình. Nếu có bất kỳ điều gì thắc mắc hãy hỏi trực tiếp tư vấn viên để được giải đáp.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất