Lãi suất thẻ tín dụng và cách tính lãi suất thẻ tín dụng
Mục lục [Ẩn]
Thẻ tín dụng (Credit Card) là thẻ chi tiêu trước trả tiền sau, do ngân hàng phát hành. Ngân hàng sẽ cấp một hạn mức tín dụng nhất định cho chủ thẻ tín dụng tùy thuộc vào tài chính và lịch sử tín dụng của khách hàng.
Khách hàng có thể chi tiêu trong phạm vi này thông qua hình thức cà thẻ POS hoặc rút tiền mặt, thanh toán online… Tất nhiên bạn phải hoàn trả lại khoản tiền đã “tạm vay” cho ngân hàng khi đến hạn. Nhưng nếu không thanh toán lại đầy đủ và đúng hạn, bạn sẽ bị ngân hàng tính lãi trên số tiền còn nợ.
Lãi suất thẻ tín dụng là gì?
Lãi suất thẻ tín dụng là khoản tiền mà chủ thẻ tín dụng phải thanh toán cho ngân hàng khi rút tiền mặt hoặc chậm thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn. Thông thường các ngân hàng hiện nay sẽ cho chủ thẻ miễn lãi suất trong chu kỳ 45 – 55 ngày nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thể thanh toán đúng và đủ số tiền đã “vay” ngân hàng trước đó. Mỗi dòng thẻ tín dụng sẽ được áp dụng một lãi suất khác nhau theo từng quy định của ngân hàng đưa ra.
Nguyên tắc miễn lãi suất 45 ngày được hiểu như thế nào?
Thông thường các thẻ tín dụng đều có thời gian miễn lãi từ 45 -55 ngày. Thời gian miễn lãi 45 ngày kể từ ngày chốt sao kê của tháng này đến ngày chốt sao kê của tháng sau, cộng thêm 15 ngày ân hạn. Điều này cũng tương tự với thẻ tín dụng có thời hạn miễn lãi 55 ngày, lúc này thời gian ân hạn là 25 ngày thay vì 15 ngày như thông thường.
Thời gian miễn lãi tối đa 45 ngày = Thời gian tối đa chốt sao kê 30 ngày + Thời gian ân hạn 15 ngày
Lưu ý: Với những giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tại ATM sẽ không được hưởng thời hạn miễn lãi từ ngân hàng.
Ví dụ, bạn sử dụng thẻ tín dụng (thời gian miễn lãi 45 ngày) để mua một chiếc máy tính với giá trị là 10 triệu đồng vào ngày 1/5, hạn thanh toán là 15/6, lãi suất thẻ tín dụng của bạn là 1,5% mỗi tháng. Nếu bạn trả nợ đúng hạn vào ngày 31/5, thì bạn sẽ không phải trả bất kỳ khoản lãi suất nào.
Lãi suất thẻ tín dụng phát sinh khi nào?
- Khi chủ thẻ thanh toán không đúng hạn: Thông thường, các ngân hàng sẽ áp dụng thời gian miễn lãi đối với thẻ tín dụng là 45 ngày. Sau đó, ngân hàng sẽ bắt đầu tính lãi nếu chủ thẻ không thực hiện thanh toán toàn bộ số tiền dư nợ. Số tiền bị tính lãi sẽ dựa trên tổng số tiền đã sử dụng chứ không phải số tiền còn thiếu hay hạn mức quy định. Mức lãi suất này khá cao từ 15-30% tùy theo quy định của từng ngân hàng.
- Khi không trả dư nợ tối thiểu đúng hạn: Khi không thanh toán đúng hạn, ngoài việc chi trả lãi suất chủ thẻ phải trả thêm phí phạt do không thực hiện chi trả ở mức tối thiểu. Tùy từng ngân hàng, mức phí phạt trả chậm sẽ khoảng từ 4-6% của khoản dư nợ tối thiểu.
- Khi sử dụng thẻ để rút tiền mặt: Khi rút tiền bằng thẻ tín dụng ngoài phí rút tiền khoảng 4% thì chủ thẻ sẽ bị tính lãi suất ngay tại thời điểm rút tiền.
Lãi suất trả chậm thẻ tín dụng bị tính khá cao
Các loại lãi suất trên thẻ tín dụng
Lãi suất chung
Dưới bản chất của một “hình thức cho vay tiêu dùng” nên thẻ tín dụng có lãi suất tương đương lãi suất vay thông thường, nhưng sẽ được miễn lãi suất 45 ngày và nếu trả đủ trong thời gian này sẽ không bị tính lãi suất. Sau thời gian miễn lãi, khách hàng sẽ bị tính lãi như các khoản vay thông thường. Mức lãi suất này tùy thuộc vào loại thẻ bạn đang sử dụng.
Lãi suất rút tiền
Khi rút tiền tại ATM bạn sẽ phải trả ngân hàng khoản phí rút tiền thẻ tín dụng là 3 - 5%/số tiền giao dịch, mà cũng chỉ rút được tối đa 70% số tiền được cấp. Nếu rút tiền ở nước ngoài khách hàng sẽ bị tính thêm phí chuyển đổi ngoại tệ. Ngoài ra chủ thẻ sẽ bị tính lãi suất ngay tại thời điểm rút tiền mặt thành công.
Cách tính lãi suất thẻ tín dụng và ví dụ cụ thể
Tính lãi suất khi rút tiền thẻ tín dụng
Rút tiền mặt là một tính năng của thẻ tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng không khuyến khích việc khách hàng rút tiền từ thẻ tín dụng và áp dụng phí rút tiền từ 2-4%/giao dịch. Ngoài ra, ngay khi hoàn thành giao dịch rút tiền, chủ thẻ sẽ bị tính lãi suất đến ngày thanh toán đủ dư nợ tín dụng.
Ví dụ: Ngày 1/4, bạn rút tiền tại máy ATM với số tiền là 5 triệu và chu kỳ thanh toán là từ 1/4 đến ngày 15/5 với mức lãi suất chung là 20% và phí rút tiền mặt là 3%. Tới ngày 20/5 bạn mới thanh toán 5 triệu thì các khoản phí bạn phải chi trả là:
- Phí rút tiền mặt: 5.000.000 x 3% = 150.000 VND
- Lãi suất từ ngày 1/4 đến ngày 20/5 là: 5.000.000 x 20% /365 x 50 ngày = 137.000 VND.
Tổng phí phải trả khi rút 5 triệu tiền mặt tại ATM tính đến ngày 20/5 là: 150.000 + 137.000 = 287.000 VND
Lãi suất khi thực hiện các giao dịch mua sắm hàng hóa, dịch vụ
Khi bạn thực hiện mua sắm online hoặc thanh toán dịch vụ tại máy POS, bạn được miễn lãi 45-55 ngày tùy từng thẻ ngân hàng. Bạn nên chú ý đến thời gian miễn lãi được cấp cho loại thẻ tín dụng của bạn. Mức lãi suất khi thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng thẻ tín dụng được tính như sau:
- Trường hợp 1: Bạn thanh toán toàn bộ số dư trên sao kê đúng hạn
Nếu đến hạn thanh toán, chủ thẻ thanh toán đầy đủ toàn bộ số dư trên sao kê ngân hàng sẽ không thu lãi toàn bộ giao dịch trong kỳ sao kê đó của bạn.
Ví dụ: Bạn đang sử dụng thẻ tín dụng có thời gian miễn lãi là 45 ngày và hạn thanh toán là 15/6, lãi suất áp dụng 20%/năm. Trong tháng 5, bạn đã sử dụng thẻ tín dụng thực hiện các chi tiêu:
- Ngày 8/5 thanh toán mua điện thoại tại Thế giới di động hết 5 triệu. Dư nợ 1 là 5 triệu
- Ngày 15/5 thanh toán tiền hóa đơn tiền điện 1 triệu . Dư nợ 2 = 5 triệu + 1 triệu = 6 triệu
- Ngày 10/6 trả ngân hàng tổng 6 triệu. Dư nợ 3 = 0
Như vậy, bạn đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán đủ trước hạn 15/6 nên bạn sẽ không bị mất bất kỳ khoản phí nào.
- Trường hợp 2: Thanh toán khoản tối thiểu vào ngày đến hạn thanh toán
Khi tới thời hạn thanh toán, bạn trả nợ khoản tối thiểu (tùy theo quy định từng ngân hàng mức thanh toán tối thiểu là khác nhau), ngân hàng sẽ tính lãi với mọi giao dịch trong kỳ sao kê. Phần dư nợ còn lại chưa thanh toán sẽ tiếp tục bị tính lãi và được thể hiện trên sao kê của kỳ sao kê tiếp theo.
Ví dụ: Bạn đang sử dụng thẻ tín dụng có thời gian miễn lãi trong vòng 45 ngày, hạn thanh toán là ngày 15/6, lãi suất áp dụng 20%/năm. Số dư nợ mà bạn cần thanh toán tối thiểu là 5% trên tổng chi tiêu. Trong tháng 6 bạn đã sử dụng thẻ tín dụng thực hiện các chi tiêu:
- Ngày 8/5 thanh toán mua hàng tại Big C 5 triệu. Dư nợ 1 là 5 triệu
- Ngày 15/5 thanh toán tiền hóa đơn 1 triệu. Dư nợ 2 là 5 triệu +1 triệu = 6 triệu.
- Ngày 15/6 bạn thanh toán cho ngân hàng 300.000 VND (khoản tối thiểu 5%). Dư nợ 3 là 6.000.000- 300.000 = 5.700.000.
- Ngày 20/6: Bạn trả số tiền 5.700.000 triệu còn lại cho ngân hàng. Dư nợ 4 là 0
Trong trường hợp này, bạn đã thanh toán đủ dư nợ tối thiểu là 300.000 VND vào ngày đáo hạn thì số lãi đến ngày 20/6 sẽ được tính như sau:
- Từ ngày 8/5 đến 14/5: Tiền lãi = 5.000.000 x 20%/365 x 7 ngày = 19.179 VND.
- Từ ngày 15/5 đến 14/6: Tiền lãi = 6.000.000 x 20%/365 x 30 ngày = 98.630 VND.
- Từ ngày 15/6 đến 20/6: Tiền lãi = 3.000.000 x 20%/365 x 5 ngày = 8.219 VND.
Tổng lãi tính đến ngày 20/6 là: 19.179 + 98.630 + 8.219 = 126,028 VND
- Trường hợp 3: Không thanh toán khoản thanh toán dư nợ tối thiểu
Trong trường hợp không thanh toán khoản dư nợ tối thiểu (thường là từ 5% - 10% trên tổng tiền đã chi tiêu từ thẻ tín dụng), ngoài phí lãi suất quá hạn, bạn sẽ bị mất thêm phí phạt trả chậm.
Ví dụ: Bạn đang sử dụng thẻ tín dụng có thời gian miễn lãi trong vòng 45 ngày, hạn thanh toán là ngày 15/6, lãi suất áp dụng 20%/năm. Số dư nợ mà bạn cần thanh toán tối thiểu là 5% trên tổng chi tiêu. Tới ngày 20/6 bạn mới thực hiện thanh toán dư nợ thẻ tín dụng. Trong tháng 6, bạn đã sử dụng thẻ tín dụng thực hiện các chi tiêu:
- Ngày 8/5 chi trả ăn uống tại nhà hàng hết 5 triệu. Dư nợ 1 là 5 triệu
- Ngày 15/5 thanh toán tiền hóa đơn 1 triệu. Dư nợ 2 là 5 triệu +1 triệu = 6 triệu
- Ngày 20/6 bạn thanh toán dư nợ 6 triệu cho ngân hàng. Dư nợ 3 = 0
Như vậy lãi suất được tính như sau
- Từ ngày 8/5 đến 14/5: Tiền lãi = 5.000.000 x 20%/365 x 7 ngày = 19.179 VND.
- Từ ngày 15/5 đến 20/6: Tiền lãi = 6.000.000 x 20%/365 x 35 ngày = 115,068 VND.
Ngoài lãi suất, bạn sẽ phải bị tính thêm phí trả chậm (với mức phí là 5%/tổng số tiền chi tiêu) là: 6.000.000 x 5% = 300.000 VND
Tổng lãi mà bạn cần phải thanh toán tới ngày 20/6 là: 19.179 + 115,068 + 300.000 = 434,265 VND
Để dễ hình dung về cách tính lãi suất thẻ tín dụng, bạn có thể theo dõi bảng sau:
Trả đủ 100% đúng hạn |
Trả từ 5% đến dưới 100% khi đến hạn thanh toán |
Trả dưới 5% khi đến hạn thanh toán |
|
Lãi, phí |
Không bị tính lãi suất |
Phát sinh lãi suất thẻ tín dụng |
Phát sinh lãi suất thẻ tín dụng và phí trả chậm |
Mách bạn 5 mẹo để tránh bị tính lãi suất thẻ tín dụng?
Muốn tránh bị tính lãi suất thẻ tín dụng, bạn có thể thực hiện một số mẹo nhỏ sau đây:
Thanh toán đúng hạn:
Thời gian miễn lãi được các ngân hàng quy định là khoảng 45 ngày. Trong khoảng thời gian này nếu bạn thanh toán đủ dư nợ thì không bị tính lãi. Nếu không thanh toán được đầy đủ thì thanh toán một khoản tối thiểu theo quy định của ngân hàng. Trong trường hợp không thể trả hết số tiền nợ trong tháng này vào hạn chót trả nợ của tháng sau thì bạn không nên mua sắm tiếp trong những ngày của tháng sau. Bởi vì những giao dịch đó sẽ bị tính lãi do bạn không trả hết tiền nợ và như vậy, bạn bị mất quyền lợi miễn lãi (45 ngày).
Thông thường, nếu bạn để nợ trả không hết, thì phải mất ít nhất 2 tháng để lấy lại quyền miễn lãi (Ví dụ: Từ tháng 1 nợ thì tháng 2 vẫn nợ, đến tháng 3 nếu trả hết mới miễn lãi).
Nên thực hiện giao dịch vào đầu chu kỳ thanh toán
Bạn nên sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu vào thời điểm ngay sau khi nhận được sao kê từ ngân hàng. Điều này giúp bạn có được thời gian miễn lãi dài nhất để cân đối tài chính. Bạn nên hạn chế chi tiêu khi đã cận kề ngày sao kê. Bởi thời điểm này thời gian miễn lãi không còn nhiều. Nếu chi tiêu các khoản lớn có thể khiến bạn bị mất lãi nhiều hơn.
Cài đặt thanh toán dư nợ tự động
Nhịp sống hối hả có thể khiến bạn quên đi ngày thanh toán thẻ tín dụng. Trích nợ thẻ tín dụng là một trong những tính năng đặc biệt hữu ích với chủ thẻ tín dụng. Khi sử dụng dịch vụ, ngân hàng sẽ tự động trích tiền từ tài khoản thanh toán để trả dư nợ thẻ tín dụng. Điều này là giải pháp giúp chủ thẻ ngăn chặn được tình trạng quên thanh toán khi tới hạn, nhờ đó bạn sẽ không phải trả tiền lãi và phí nộp chậm cho ngân hàng.
Chọn thẻ và hạn mức thẻ tín dụng phù hợp
Có 3 điều bạn cần cân nhắc khi mở thẻ tín dụng:
- Một là nên tìm hiểu kỹ các khoản phí thường niên và lãi suất các thẻ tín dụng, nên chọn loại thẻ có lãi suất ưu đãi.
- Hai là nên hạn mức tín dụng phù hợp với khả năng chi trả của bản thân. Thông thường ngân hàng cho phép bạn mở thẻ tín dụng với hạn mức cao hơn lương từ 2-5 lần. Tuy nhiên, lời khuyên của các chuyên gia tài chính là bạn chỉ nên chọn hạn mức thẻ tín dụng bằng 50% tổng thu nhập của bạn. Điều này đảm bảo khả năng chi trả và tránh việc bạn vung tay quá trán dẫn đến nợ thẻ tín dụng.
- Ba là nên lựa chọn loại thẻ tín dụng phù hợp với mục đích sử dụng: Chẳng hạn,bạn đam mê du lịch, và thường xuyên sử dụng các dịch vụ hàng không? Hãy lựa chọn các loại thẻ tín dụng liên kết đồng thương hiệu giữa ngân hàng và hãng hàng không ví dụ thẻ đồng thương hiệu Vietcombank Vietnam Airline… để sử dụng các dịch vụ tích lũy dặm bay hoặc sử dụng phòng chờ tại sân bay…Nếu bạn có nhu cầu mua sắm thường xuyên bằng thẻ tín dụng hãy chọn những loại thẻ tín dụng cashback để hưởng ưu đãi hoàn tiền ...
Cân nhắc kỹ khi rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng
Tính năng nổi bật của thẻ tín dụng là để thanh toán, các ngân hàng không khuyến khích người dùng sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt. Do đó nên cân nhắc trong trường hợp thực sự cần thiết mới sử dụng thẻ tín dụng rút tiền mặt. Bởi bạn sẽ bị mất thêm khoản phí rút tiền và chịu chi phí lãi nhiều hơn.
Lãi suất sẽ bị tính dù chỉ trả chậm một ngày
Lãi suất thẻ tín dụng các ngân hàng hiện nay
Mức lãi suất hiện nay luôn nằm ở mức hai con số, mức dao động từ 15-33%/năm trở lên tùy ngân hàng và tùy hạng thẻ tín dụng.
Biểu lãi suất cơ bản của thẻ tín dụng ở một số ngân hàng hiện nay:
Lãi suất thẻ tín dụng |
Mức lãi suất/năm |
Ngân hàng BIDV |
- Lãi suất 15,5% - 16,5%/năm đối với sản phẩm thẻ Vietravel Platinum, MasterCard Platinum, Visa Platinum, Visa Platinum Cashback, Visa Premier và Visa Infinite; Lãi suất 17,0% - 18%/năm đối với sản phẩm thẻ Visa Precious; Lãi suất 17,0%/năm đối với sản phẩm thẻ Visa Business. |
Ngân hàng Vietinbank |
Lãi suất thẻ Tín dụng của VietinBank là 18,5%/năm |
Ngân hàng Agribank |
Lãi suất thẻ Tín dụng của Ngân hàng Agribank là 18,5%/năm, |
Ngân hàng Vietcombank |
- Thẻ mang thương hiệu Visa/Mastercard/Amex/JCB/UnionPay: Hạng chuẩn: 18%/năm Hạng vàng: 17%/năm Hạng Signature/Platinum/World: 15%/năm -Thẻ Vietcombank Viettravel Visa: 17%/năm - Thẻ Saigon Centre – Takashimaya – Vietcombank Visa Hạng chuẩn: 18%/năm Hạng vàng: 17%/năm - Thẻ Saigon Centre – Takashimaya – Vietcombank JCB: 18%/năm |
Ngân hàng VIB |
- VIB Online Plus: 36%/năm - VIB Premier Boundless: 27,96/%/năm - VIB Zero Interest Rate: 0% - VIB Happy Drive: 30%/năm - VIB Travel Élite: 27,96%/năm - VIB Cash Back: 32,52%/năm - VIB Rewards Unlimited: 33,96%/năm - VIB Financial Free: 0% cho 03 kỳ sao kê đầu tiên từ ngày phát hành thẻ lần đầu; 36%/năm cho các tháng tiếp theo |
- ACB Express: 15%/năm - VISA Classic/Mastercard Standard: 29%/năm - JCB Standard: 27%/năm - VISA Gold/Mastercard Gold: 27%/năm - JCB Gold: 25%/năm - VISA Business: 29%/năm - VISA Platinun/World Mastercard: 27%/năm - VISA Signature: 27%/năm - VISA Privilege Visa Signature: 27%/năm |
|
Thẻ tín dụng Sacombank |
- Thẻ tín dụng nội địa: 19,2% đến 31,2%/năm; - Thẻ tín dụng quốc tế: Visa Classic, Visa Ladies First, Visa Gold, Visa Platinum, Visa Platinum Cashback,Visa Signature, Visa Infinite, Mastercard Gold; Mastercard Classic, Union, JCB Ultimate, JCB Gold, JCB Classic, Visa Corporate Platinum: 12% - 31,2%/năm |
Với nhiều lợi ích mang lại, thẻ tín dụng là một trong những công cụ tài chính linh hoạt, hữu ích trong cuộc sống hiện đại. Nắm được thông tin về lãi suất thẻ tín dụng sẽ giúp bạn có kế hoạch sử dụng thẻ tín dụng thông minh và cân nhắc chi tiêu hợp lý.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất